Dựa theo cuốn sách Trò chuyện với Vĩ nhân (Meeting with Remarkable people) của Osho, Nhà xuất bản First News. Mình sẽ tóm tắt tổng quát và nêu vài ý chính quan trọng ra đây. Nếu ai có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu thì lên mạng tham khảo thêm nhé. Những bài viết kiểu như này mình chỉ đưa ra cái nhìn tổng quan thôi ^^
Giới thiệu
Ngài là người Ấn Độ, ~470-543. Ngài là vị tổ thứ 28 nhà Phật – Ngài được coi là người truyền bá và sáng lập ra Thiền học và Võ thuật tới Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Quốc, Ngài đã truyền thụ phương pháp rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm và dẫn đến việc hình thành môn võ Thiếu Lâm. Ngài cũng là cha đẻ của Thiền Phật giáo Trung Quốc.
Đạt Ma nổi bật với hình ảnh vị Phật có bộ râu xồm, chân đi trần, mình khoác áo choàng, tay cầm cây thiền trường. Hình ảnh đơn sơ và giản dị ấy của Ngài lại toát ra khí chất của sự thoát tục và siêu thoát. Chính vì vậy, tượng Đạt Ma không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt tôn giáo, đề cao đức Phật mà còn có ý nghĩa phong thủy sâu sắc.
Tư tưởng
Thiền tông được Bồ Đề Đạt Ma truyền qua Trung Quốc vào năm 520.
Mục đích tối thượng của người tu tập theo Thiền tông là liễu ngộ phật tính, thấu suốt bản tâm thanh tịnh của chính mình, thoát khỏi sinh tử luân hồi và sống với bản tâm thanh tịnh ấy, nếu có nhân duyên thì hoằng hóa giúp người cũng tu tập ngộ đạo như mình, làm lợi lạc quần sinh.
Bài học
Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế (464 – 549; là vị Hoàng đế khai quốc của triều Lương thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc) đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”
“Tại sao không công đức.”
“Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”
“Vậy công đức chân thật là gì?”
Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”
Vua lại hỏi: “Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?”
“Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.”
“Ai đang đối diện với trẫm đây?”
“Tôi không biết.”
Tóm tắt ý của cuộc hội thoại trên: Vua Vũ Đế muốn biết phần thưởng của Vua là gì khi ngài đã cất công dốc sức lực và của cải để phụng sự Phật Thích Ca Mâu Ni, và Bồ Đề Đạt Ma đáp lại là “Không có công đức” — Toàn bộ lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni là vô sở cầu và nếu thực hiện tất cả những nghĩa cử được cho là cao đẹp này, xây đền chùa, chăm lo cho hàng ngàn tu sĩ, với một tâm trí sở cầu, bệ hạ đang đi về hướng địa ngục. Nếu bệ hạ làm điều này xuất phát từ niềm vui, chia sẻ niềm vui của mình với mọi người, và không mảy may nghĩ đến việc đền đáp, hành động đó tự nó đã là phần thưởng. Bằng không, bệ hạ đã lỡ toàn bộ ý nghĩa của nó. [Theo sách Meeting with Remarkable People – trang 21]
– The end –
