Tôi đã xem bộ phim có tên là The Bridges of Madison Country lần đầu cách đây gần 10 năm, lúc đó mới 21, 22 tuổi… khi đó tôi không thực sự hiểu một cách sâu sắc cảm xúc/suy nghĩ của nhân vật nữ chính Francesca (Meryl Streep) và với sự thiếu trải nghiệm, tôi nghiêng về sự chỉ trích đối với hành động lẫn suy nghĩ của cô.
Mãi tới tuần trước, Netflix recommend bộ phim ấy trên trang chủ tài khoản của tôi, tôi đã xem lại nó, và lần này, góc nhìn của tôi đã đảo ngược hoàn toàn. Tôi hoàn toàn hiểu và cảm thông với những hành động lẫn tình cảm thầm kín của cô.
Điều đáng sợ nhất là “bỏ quên đối phương”
Tôi nghĩ, đối với hoàn cảnh của Francesca, cô cảm thấy như bị “bỏ quên” trong gia đình, nói đúng hơn là bị bỏ quên trong chính cuộc hôn nhân của cô. Nguyên nhân chính là do khác biệt tính cách, cô là một giáo viên dạy văn ở Ý — người có một tâm hồn thơ mộng, sau đó đã quen chồng cô — một chàng trai nông dân (farmer) — có trách nhiệm nhưng khô cằn trong cảm xúc.
Tôi để ý tới những cử chỉ của cô, từ cách cô tất bật chuẩn bị đồ ăn, từ cách cô chỉ lặng nhìn gia đình ăn uống mà không nói với nhau điều gì, từ cách cô nghe điện thoại từ chồng mình… nó ẩn giấu nỗi buồn không thể chia sẻ. Cô khao khát một hoàn cảnh khác, yêu và được yêu, thì thực tại lại đối lập. Điều đó biến cô sống ở hiện tại với một vai diễn khác, vai diễn của một người vợ đảm đang và một người mẹ mẫu mực.
Ranh giới giữa tình yêu và tội lỗi
Mới chỉ có 4 ngày quen và bên nhau, cô và Robert Kincaid — một nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa xê dịch, lại nảy sinh ra tình yêu mãnh liệt. Khi quen Robert, cô cảm thấy trái tim mình thổn thức trở lại, bao nhẹ nhàng, thơ mộng, êm ái, đam mê và cuồng nhiệt trong tình yêu của cô tràn về trong từng hơi thở và mạch máu, điều đó thể hiện trong cách cô bối rối khi bên Robert, các cử chỉ của cô, cách cô trộm nhìn Robert từ ô cửa sổ phòng ngủ, cách cô cười giòn tan bên những câu chuyện Robert kể sau bữa tối, cách cô lặng nhìn cơ thể của mình qua gương….
Cô đã tìm thấy một mảnh còn thiếu của mình và sẽ quyết định bỏ đi cùng Robert, nhưng buồn thay, có một mối quan hệ khác níu cô trở lại thực tại — đó là người chồng và hai người con của cô. Cô rơi vào ranh giới giữa tình yêu và tội lỗi. Một ranh giới mỏng manh và đầy giằng xé nội tâm. Một bên là tình yêu của mình, một bên là trách nhiệm! Và cô đã chọn ở lại để làm tròn trách nhiệm của mình — một người vợ và một người mẹ.
Sự thủy chung ở đâu?
Đây là một cuộc ngoại tình phải không? — Phải! Nhưng nếu bạn ở trong hoàn cảnh của Francesca, bạn có đủ mạnh mẽ, lý trí để vượt qua hoàn cảnh đó không? — Rất khó chống lại cảm xúc của bản thân, vì nó là một thứ cảm xúc đã kìm nén từ rất lâu, khi nó được khơi dậy, thì lý trí cũng khó làm chủ được.
Thực tế trong tâm lý học, các nhà tâm lý học từ lâu đã nói với chúng ta rằng có hai mặt độc lập “luôn hoạt động” trong não của chúng ta. Nhà tâm lý học Jonathan_Haidt đã ví cảm xúc như con voi và lý trí như người cưỡi nó, “Người cưỡi (lý trí) có thể nhẹ nhàng kéo con voi (cảm xúc) theo một hướng cụ thể nhưng cuối cùng con voi (cảm xúc) sẽ đi đến nơi nó muốn .”
Câu trả lời cho câu hỏi lâu đời về việc tại sao chúng ta cứ chọn sai không phải vì “ chúng ta không biết tốt hơn ” mà là vì “ chúng ta không cảm thấy tốt hơn ”.
Tôi không biện minh cho sự ngoại tình, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta khó có thể cưỡng lại được cảm xúc. Tôi không hi vọng có thêm một cuộc ngoại tình giống như vậy nữa. Tôi chỉ mong là, khi bạn chưa có mối ràng buộc nào, hãy lựa chọn một tình yêu, một người mà mình cho là khi gặp người đó, bạn không còn muốn rung động trước bất kì ai khác. Hãy YÊU và TRÂN TRỌNG!
