– Tâm sự chút xíu –
Khi chúng ta nghĩ nhiều, chúng ta thường hay lạc trôi trong sự hỗn loạn của cảm xúc.
Bài viết rất chung chung, chỉ nêu lên bề nổi của vấn đề, mình không muốn đi sâu vào sự việc cụ thể nào. Vì dường như mình không thể typing sâu hơn điều mình nghĩ, bởi vì có thể do ở mình không muốn nhiều người biết vấn đề cụ thể của mình, và sẽ có nhiều người chả đồng tình với cách làm của mình, cũng có những người chả thể cho mình lời khuyên, hoặc lời khuyên đó mình đã biết và mình không muốn nghe lại. Đơn giản mình chỉ muốn viết gì đó cho khuây khỏa tâm trí thôi.
Có những ngày, thời gian trôi thật dài, mình cứ nhìn đồng hồ…hàng phút, hàng giờ, và tự hỏi sao hôm nay thời gian trôi chậm thế.
– Trong những khoảng thời gian “bất an” như hiện tại, mình thường hay “hoảng loạn” như vậy. Hoảng loạn ở đây được cấu thành bởi cảm giác bồn chồn, lo lắng, và cảm giác chơi vơi.
– Và những lúc như thế, mình thường tìm đọc những cuốn sách có tính chất “chữa lành” như cuốn Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu của Rando Kim, cuốn Hạnh phúc đích thực của thầy Thích Nhất Hạnh; hoặc nghe Podcast – những bài audio tâm sự nhẹ nhàng; hoặc mình gọi điện cho những người bạn và nói những câu chuyện chả đầu chả cuối, những câu chuyện đời thường, tìm hiểu suy nghĩ của họ chẳng hạn. Bởi vì khi rơi vào những tình huống này, mình (và có thể cũng như những người khác) sẽ tìm đến nguồn – nơi mà có thể “trấn an” bản thân hoặc tìm được “câu trả lời” cho những câu hỏi “mơ hồ” đang diễn ra trong đầu mình, hoặc mình đang cố đi tìm “câu hỏi” cho chính bản bản thân mình.
– Bạn có thường xuyên vậy không? Có thường xuyên rơi vào trạng thái “chênh vênh” dù đang ở độ tuổi nào? Bạn có thể gọi tên các “cảm xúc” đó không? Bạn có giải quyết được dứt điểm? Hay chỉ tạm thời “xử lý” ngắn hạn?
– Đợt này mình thường xuyên “chênh vênh” như vậy đó. Mình cảm thấy mình “lạc lõng” giữa thành phố này. Nhiều lúc mình không biết mình cố gắng để được điều gì? Kiểu như mọi động lực cố gắng trong mình đang giảm sút, mọi việc hàng ngày đang diễn ra chỉ là những routine đã được cài đặt sẵn, mặt trời mọc và auto chạy với “gần như không cảm xúc”.
– Quay trở lại với việc tìm động lực của bản thân, mọi người sẽ thắc mắc động lực của bản thân mình là gì? Là cảm giác được cống hiến, sự giàu có của tiền bạc, được tôn trọng, tôn vinh, là người quan trọng, là trụ cột của gia đình, là trách nhiệm, là …!
Theo mình nghĩ, có 03 hình thái của động lực:
+ Động lực có phải bắt đầu từ “sự tham lam” không? Mình chỉ đang hỏi vậy thôi, chứ chưa kết luận, vì giả sử động lực của bạn là sự giàu có của tiền bạc, vị thế, sự tôn vinh, chả phải đến từ sự tham lam sao?
+ Còn những động lực đến từ trách nhiệm, có phải là bạn đang cố gắng chỉ vì bạn nghĩ mình “cần phải thế”?
+ Còn động lực đến từ cảm giác được cống hiến, sự tôn trọng, và sở thích cá nhân, thường dễ bị tác động, đúng không? Nếu sự cống hiến một cách vô tư lự, và sự tôn trọng của người khác dành cho bạn không hề làm bạn lung lay thì bạn thật may mắn vì có nguồn động lực này. Tuy nhiên, nếu sự cống hiến, và sự tôn trọng không được đáp trả lại bởi sự công nhận, liệu kiểu động lực này có “bền vững”?
Nhưng nói tóm lại, khi chúng ta đã phát triển hơn trên con đường nhận thức, thì có phải chúng ta thường sẽ rơi vào 2 trạng thái: (1) lý giải được những nguyên nhân và tìm được hướng giải quyết cho vấn đề phát sinh; (2) đi tìm nguồn gốc của mọi việc, và rồi có thể bất mãn, không chấp nhận hiện thực và rồi cũng không tìm được hướng giải quyết nào phù hợp.
– Riêng bản thân mình, mình không nhận mình là người có nhận thức hoàn thiện, nhưng mình luôn là người chịu khó tìm hiểu và muốn hiểu rõ sự việc đang xảy ra với mình. Tuy nhiên, rồi lắm lúc mình lại suy diễn cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn bản chất nó vốn có. Đó là lúc mình không biết làm sao cho đúng? Là mặc kệ những trở ngại về cảm xúc, sự sỉ diện, cái tôi để đón nhận những điều mới.
Đã nhiều lần mình cố gắng buông bỏ những cảm xúc như cảm thấy nhỏ bé, lạc lõng, tủi nhục, tổn thương, sự yếu đuối… để mạnh mẽ tươi cười, chủ động đón nhận cái mới với tâm thế rằng sự cho đi, sự rộng lượng, sự bao dung sẽ là những đức tính tốt, sẽ làm cho mọi thứ (kể cả mối quan hệ) trở nên dễ chịu, tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, sự đấu tranh trong bản thân thì không hề dễ chịu xíu nào hết. Dường như khi làm vậy, tất cả những cảm xúc nói trên (lạc lõng, yếu đuối, cần sự thấu hiểu…) lại mạnh mẽ hơn. Sau những lần bỏ cái tôi sang một bên thì dường như nó chỉ làm cho cái tôi to thêm? – Khi đó, chỉ 1 lời nói tổn thương thôi, có thể làm chúng ta òa khóc, có thể mình sẽ không đứng đó để cãi vả, tranh đua vì đối với mình lúc đó, một lời nói tổn thương đó có thể là ranh giới giữa “cái tôi” và cái mình “đã cố gắng”.!